Hết thời rủng rỉnh, chủ homestay ồ ạt rao bán lỗ tiền tỷ

Thứ ba - 07/09/2021 22:11
Không khai thác được nhiều tháng nay do dịch bệnh, nhiều chủ homestay không còn đủ sức “gánh” chi phí và khoản nợ ngân hàng nên đành buốt ruột rao bán giá lỗ mong sớm tìm được người mua.

Vài năm gần đây, không ít người đã mạnh tay xuống tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng để mua đất đầu tư homestay ở những vùng như Ba Vì, Hòa Bình, Sơn La...

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch bệnh lần thứ tư lại bất ngờ ập tới và kéo dài đến nay chưa dứt khiến hoạt động du lịch đã gặp khó khăn nay lại chồng thêm khó khăn. Trải qua 2 năm vắng khách bởi dịch bệnh nhưng chi phí vận hành homestay thì vẫn phải trang trải đều hàng tháng dù không có doanh thu. Đến nay, khi đã "ngấm" đòn, không còn sức để gánh nợ nên nhiều chủ homestay buộc phải rao bán, thậm chí bán lỗ để sớm có khách mua.

Hết thời rủng rỉnh, chủ homestay ồ ạt rao bán lỗ tiền tỷ
Homestay ở Mộc Châu này đang cần bán với giá lỗ gần một nửa.

Đơn cử, chủ một homestay ở Ba Vì (Hà Nội) đang rao bán cả khu rộng 2.000m2, đã có sẵn nhà sàn, ao cá, công trình phụ và nhiều cây ăn quả đến độ thu hoạch. Với lý do cần tiền bán gấp nên rao giá bán thu về là 3,7 tỷ đồng.

Cũng rao bán giá cắt lỗ, homestay ở Tả Phìn – Sa Pa (Lào Cai) có diện tích 1.000m2, có sổ đỏ 150m2 và hiện đang có 11 phòng kinh doanh từ bình dân đến cao cấp.

Hay homestay có sẵn 4 phòng đang khai thác, nằm trên mảnh đất rộng 800m2 cũng ở Sa Pa. Cả khu có nhà hàng phục vụ ăn uống, café... đất có sổ nông nghiệp và sẽ làm lên đất ở lâu dài 200m2, còn lại là đất trồng cây hàng năm cũng rao bán giá cắt lỗ 4 tỷ đồng.

Bán giá ‘mềm’ hơn khi mảnh đất rộng 1.200m2 chưa có sổ, chủ một homestay ở Mộc Châu, Sơn La bán cắt lỗ gần nửa với giá 2,5 tỷ đồng.

Chia sẻ với PV Infonet, anh Đinh Quang Đông, đang có nhu cầu bán homestay ở Mộc Châu (Sơn La)  cho biết, homestay của vợ chồng anh có 10 phòng bungalow, 1 nhà sàn và 2 phòng cộng đồng nằm trên diện tích đất 1.200m2, được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2017 đến nay.

Theo anh Đông, vị trí homestay nằm ở trung tâm huyện Mộc Châu lại có view đẹp nên thu hút rất đông khách, nhất là khách ở Hà Nội và Sài Gòn. Khi chưa có dịch bệnh, cứ 3 ngày cuối tuần homestay đều kín phòng.

“Thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, vào những tháng cao điểm du lịch ở Mộc Châu bình quân doanh thu một tháng tại homestay của tôi khoảng 40 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng tôi cũng để ra được 20 triệu đồng”, anh Đông cho hay.

Bao vốn liếng hai vợ chồng đổ vào đây, rồi còn phải vay mượn thêm ngân hàng, hiện anh Đông vẫn đang phải trả gốc và lãi hàng tháng với số tiền trên chục triệu đồng. Dịch bệnh kéo dài, hàng tháng không có doanh thu vẫn phải trả nợ nên buộc anh Đông phải đưa ra một quyết định ‘đứt ruột’ là bán homestay – nơi mà vợ chồng anh rất tâm huyết khi xây dựng.

Hết thời rủng rỉnh, chủ homestay ồ ạt rao bán lỗ tiền tỷ
Dịch bệnh kéo dài, không đủ sức 'gánh' nợ ngân hàng nên nhiều chủ homestay đành rao bán lỗ tiền tỷ.

Mong sớm tìm được khách có tiền có thể tiếp quản, phát triển khu homestay này, anh Đông rao bán giá 2,5 tỷ đồng – mức giá này theo như anh chia sẻ là lỗ gần một nửa.

“Tiền vay mượn để xây dựng homestay vẫn chưa trả hết, có khách thì không sao, nay không có khách mà càng để thì không biết lấy đâu bù vào chi phí. Thực sự, nếu không phải vay mượn, nếu không có dịch bệnh xảy ra... thì tôi cũng không bán khu homestay này đâu. Bán nó tôi rất tiếc vì đó là tâm huyết của vợ chồng tôi”, anh Đông bộc bạch.

Được biết, chủ khu homestay này rao bán từ đầu tháng 5 khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Từ đó đến nay, dù đã có khá nhiều khách hỏi thông tin, thậm chí đến tận nơi xem nhưng vẫn chưa chốt được khách mua.

Anh Nguyễn Quang – một môi giới chuyên thị trường đất trang trại, nghỉ dưỡng cho hay, hiện có khá nhiều chủ homestay, farmstay cần chuyển nhượng khi đã chi tiền tỷ xây dựng vài năm trước. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh không tốt vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chủ homestay không chịu được áp lực tài chính từ nợ nần và các chi phí vận hành, buộc sẽ phải rao bán cắt lỗ.

Tuy nhiên, theo anh Quang, ở thời điểm hiện tại người cần bán nhiều hơn người cần mua, nên dù cắt lỗ thì cũng khó chốt được khách vì khách đâu có đến tận nơi xem được để quyết định.

“Nếu tình hình dịch bệnh vẫn cứ kéo dài đến hết năm thì chắc chắn sẽ còn nhiều chủ trang trại, homestay, farmstay cần bán hơn, nhất là những ai đang chưa trả hết nợ vay để xây dựng lúc ban đầu”, anh Quang nhận định.

Minh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây